Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013


Rác thải, chất thải ở môi trường nông thôn


(Website HNDHY) - Những vấn nạn về ô nhiễm môi trường đang là mối quan tâm của toàn xã hội trong những năm gần đây, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm môi trường ở các vùng nông thôn do chất thải của các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, làng nghề, rác thải từ sinh hoạt, chăn nuôi, sự lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp... Đã đến lúc chúng ta phải đề cao việc bảo vệ để cứu lấy môi trường nông thôn trong giai đoạn hiện nay.
Rác thải trôi nôi lềnh bềnh trên mặt ao hồ
Rất nhiều địa phương trên cả nước, nhất là vùng đồng bằng, trung du do đất đai chật hẹp, dân số đông lên, đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề. Chưa bao giờ lượng rác thải sinh hoạt lại nhiều như bây giờ. Rác thải do người dân không có ý thức vứt ra khắp nơi nào là túi ni lon, xác động vật chết, đường làng, ngõ xóm đến mương máng, ao hồ, sông suối chỗ nào tiện gần cũng có thể vứt rác, đổ chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt. Tràn lan trên đường, mương máng, sông, hồ, lập lờ chìm, nổi trên mặt nước, sau những trận mưa lớn nước ngập đồng ruộng trắng xoá, sau khi nước rút để lại toàn túi ni lon đủ các mầu sắc, xanh, đỏ, tím vàng … trông rất ghê.  Trong khi đó, dịch vụ vệ sinh môi trường ở nông thôn chưa phát triển. Nguyên nhân của tình trạng trên là do ý thức bảo vệ môi trường của mọi người không cao, tất cả mọi người đều thản nhiên vứt rác bừa bãi ở bất cứ chỗ nào họ cảm thấy tiện. Rất đáng báo động cho mọi người coi việc giữ gìn bảo vệ môi trường không phải là việc của cá nhân mình mà là việc của xã hội, họ còn có tư tưởng rất thiển cận. Sạch riêng, bẩn chung môi trường phải chịu, một vấn đề nữa là đa phần người dân không tự xử lý phân loại rác nên việc chôn lấp, thu gom, xử lý gặp nhiều khó khăn trong vùng dân cư nông thôn chưa có cơ sở thu gom sử lý rác thải.
Một lượng lớn rác thải sinh hoạt ở các địa phương, các chợ vùng nông thôn cũng là nơi sinh ra đủ các loại rác mà chưa có biện pháp thu gom xử lý, chủ yếu quét dọn lại một chỗ rồi để khô đốt hoặc cho phân huỷ tự nhiên, nên nó ảnh hưởng nặng nề cho môi trường xung quanh và công tác bảo vệ môi trường chung của địa phương.
Đó là chưa kể lượng rác, chất thải trong chăn nuôi, nhu cầu phát triển kinh tế của người dân đang mở rộng quy mô chuồng trại nhưng lại không thay đổi phương thức chăn nuôi, đa phần vẫn làm theo kiểu cũ, phân và nước cùng thức ăn dư thừa của gia súc, gia cầm thải ra không qua xử lý vô tư thải ra rãnh nước đường làng, mương máng, ao hồ, sông suối. Gặp trời mưa chỗ nào thuận thì trôi đi, nếu đường mà không có rãnh nước thải, thải lênh láng trên mặt đường nom rất mất vệ sinh, còn trời nắng thì bốc mùi hôi thối nồng nặc. Đó còn là môi trường thuận lợi để ruồi, muỗi, các ký sinh trùng gây bệnh phát sinh, phát tán vào không khí và nguồn nước, nước thải ngấm vào nguồn nước ngầm, do vậy, nguy cơ phát sinh các loại dịch bệnh là rất cao trong cộng đồng.
Môi trường nông thôn, cũng như thành thị, còn bị đe dọa bởi tình trạng lạm dụng hóa chất trong nông nghiệp như phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và việc sử dụng phân tươi, nhất là trong sản xuất các loại rau xanh. Điều này rất có hại cho sức khoẻ con người, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của chúng ta trong hiện tại cũng như lâu dài.
Cần nhận thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh môi trường nói chung và môi trường nông thôn nói riêng, UBND các cấp nên đưa ra các giải pháp như: Tuyên truyền giáo dục bằng các biện pháp là các khẩu hiệu hoặc các tờ rơi …để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mọi người dân trong cộng đồng, giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn của mình nói chung. Của khu, xóm làng nên chọn một ngày nhất định trong tuần, trong tháng làm ngày tổng vệ sinh chung trong đường làng ngõ xóm, khu dân cư.
Các hộ gia đình nên có thùng chứa rác và tự phân loại rác, chôn lấp hoặc bỏ đúng nơi quy định để đội vệ sinh mang đi chôn lấp hoặc sử lý tập chung để làm phân hữu cơ bón cho cây, hoặc đồng ruộng. Nước thải và phân trong chăn nuôi cần được xử lý bằng cách xây hầm biogas, phân phải được ủ trước khi sử dụng, không thải trực tiếp nước và phân chất thừa thải thẳng ra môi trường. Về lâu dài, các hộ cần đăng ký sản xuất trong các khu chăn nuôi tập trung, đưa các trang trại ra ngoài đồng, lên đồi hoặc xa khu dân cư tập chung, nên xây dựng và sử dụng loại nhà tiêu hay nhà tiêu tự hoại hợp vệ sinh chung.
Trong sản xuất nông nghiệp, cần hướng dẫn và tuyên truyền người dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hãy thu vỏ chai, lọ, vỏ bao đựng đến nơi quy định để xử lý. Nên tăng cường sử dụng phân xanh, phân hữu cơ tại chỗ kết hợp với phân hoá học, không nên dùng phân tươi bón trực tiếp cho rau xanh, hoa mầu để phát tán ra môi trường.
Cán bộ chính quyền địa phương cần quy hoạch, xây dựng hệ thống hạ tầng để giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường nông thôn như làm rãnh thoát nước trong khu dân cư; xây dựng nơi xử lý và chứa rác, chất thải thuận tiện cho người dân, xây dựng các khu chăn nuôi tập trung đúng tiêu chuẩn; phù hợp với quy hoạch để dần đưa chăn nuôi ra khỏi khu dân cư; hướng dẫn thành lập và hỗ trợ hoạt động dịch vụ vệ sinh môi trường trong cộng đồng dân cư nông thôn.